Trong hành trình học tập, áp lực học tập được coi là thách thức lớn nhất mà học sinh phải đối mặt, đặc biệt là khi quay lại trường học vào năm học mới sau một kì nghỉ hè. Áp lực học tập có thể được hiểu là trạng thái căng thẳng. Lo lắng, do những yêu cầu, kỳ vọng đặt ra. Đây có thể là sự kỳ vọng về điểm số của ba mẹ, sự cạnh tranh với bạn bè hay đến từ chính bản thân các bé với mục tiêu chính mình đặt ra.
Khi áp lực học tập lan sang phụ huynh
Mùa hè năm nay, trường trung học Kojimachi ở Tokyo đã “bắn phát súng đầu tiên” thông báo kế hoạch bãi bỏ bài tập về nhà trong kỳ nghỉ hè và kêu gọi kết thúc các kỳ thi “vô nghĩa” vắt kiệt sức học sinh.
“Không bài tập về nhà, không giáo viên chủ nhiệm lớp, thi giữa kỳ và cuối kỳ cũng không” trở thành khẩu hiệu của trường. Khi được hỏi liệu điều đó có ổn không, hiệu trưởng Kojimachi Kudo Yuichi đã không ngần ngại trả lời “Tất nhiên là ổn.” Mặc dù nhận được rất nhiều sự đồng tình, nhưng một số khác lại quan ngại cách làm này chỉ hiệu quả đối với các trường điểm như Kojimachi.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ikoyo tiến hành khảo sát trên 768 phụ huynh đã cho thấy có 53% người được hỏi tin rằng bài tập hè là cần thiết cho con trẻ. Ngược lại chỉ có 15% phụ huynh nghĩ điều này là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ suốt ngày rong chơi không màn đến bài tập thì đến khi mùa hè sắp kết thúc, không phải một mình đứa trẻ mà là cả gia đình đều bị cuốn vào “trận chiến” với cả đống bài tập. Không cha mẹ nào có thể làm ngơ trước vẻ mặt khẩn khoản tội nghiệp của con mình, một phần là do họ không muốn con bị điểm kém ngay trong ngày đầu tiên trở lại trường.
Có những phụ huynh thậm chí còn cho phép con sử dụng dịch vụ làm bài tập thuê trên Internet. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa 宿題代行 (Shukudai daikou), một loạt trang web nhận làm bài tập thuê sẽ hiện ra trên kết quả tìm kiếm. Giá cả đa dạng phụ thuộc vào từng loại bài tập, chẳng hạn như 500 yên (khoảng 110.000 đồng) cho một trang bài tập Toán, 10.000 yên (khoảng 2.000.000 đồng) cho năm trang viết cảm nhận về quyển sách đã đọc hay 5.000 yên (khoảng 1.100.000 đồng) cho một bài nghiên cứu tự do. Tuy nhiên, gần đây một số trang web đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ về việc hạn chế loại hình dịch vụ này.
Thiết nghĩ thay vì tìm những trang web làm bài tập thuê, cha mẹ nên để cho con cái tự giác thực hiện “nghĩa vụ” của mình. Ảnh: michealmossbooks.
Trung bình một người Nhật dành mười hai mùa hè niên thiếu của mình để hoàn thành bài tập về nhà. Rất may là khi lên Đại học đã không còn khái niệm “bài tập về nhà” nữa, nhưng bốn năm Đại học trôi nhanh như cái chớp mắt, những người trẻ lại bước tiếp vào guồng quay công việc chóng mặt để rồi sau này khi hồi tưởng lại, những ngày hè thuở xưa đã thực sự trở thành một miền ký ức xa xăm.